1. Âm đức là gì?
Âm đức chính là làm việc tốt mà không để cho người khác biết, làm việc tốt một cách lặng lẽ, âm thầm, không phải là để được nhiều người biết đến rồi khen ngợi, tán thưởng mà làm việc tốt vì cái tâm mình mách bảo.
Theo quan niệm dân gian, những điều bạn có được trong kiếp này, từ tài lộc, công danh cho đến tình duyên, phúc đức đều là nhờ những điều tốt đẹp tích được từ kiếp trước. Ai có được nhiều âm đức thì ông trời sẽ có phần thưởng xứng đáng cho người ấy.
Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu xem âm đức ở đây là gì. “Âm” trong “âm đức” không phải là “âm phủ” mà là chỉ “âm” trong “âm công, âm đức, âm phúc”. “Âm” này có nghĩa là “ám”, tức chỉ việc thầm lặng, âm thầm, kín đáo, không công khai hiển lộ ra ngoài cho nhiều người biết. Có nhiều người đi làm việc thiện chẳng bao giờ rầm rộ, thậm chí còn giấu tên, có những người âm thầm ủng hộ tiền bạc cho những công trình công cộng, vì lợi ích của người dân, hay có những người sẵn sàng xả thân cứu người nhưng sau đó chẳng chờ người trả ơn hay báo đáp mà lặng lẽ rút lui… Tất cả những việc đó được coi là hành thiện tích âm đức. “Âm đức” là một điều rất thiêng liêng. Đó là tinh hoa của văn hóa truyền thống, thể hiện cái tâm thanh khiết, một lòng tín Phật hướng thiện, tin vào luật Nhân – Quả, “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”. Chính vì thế, nếu làm việc thiện mà cái tâm không hướng thiện, chỉ nhằm mục đích khoa trương, khoe khoang bản thân để có được danh lợi thì phần âm đức thực sự sẽ mất đi, cũng chẳng thể tích được “âm công”, không khởi được tác dụng chân chính của việc hành thiện.
2. Hành thiện tích âm đức như thế nào mới đúng?
Nhân vô thập toàn, con người sinh ra chẳng ai là hoàn hảo. Cuộc sống này rất dài, cho dù bạn có cố gắng đến đâu thì cũng khó tránh khỏi có những lúc mắc sai lầm hay vô tình làm tổn thương người khác. Không xét đến những người ác tâm, chủ ý làm hại người khác thì việc làm tổn thương người là điều mà không ai trong chúng ta mong muốn cả. Tuy nhiên, nếu xét đúng nghĩa về phúc đức thì theo luật nhân quả báo ứng, trên đời này có những người mà bạn nhất định không được làm hại họ, dù chỉ một mảy may. Hành thiện tích âm đức khi này chỉ đơn giản là ta không làm hại người khác, không làm người khác bị tổn thương vì những hành động hay lời nói của mình. Với những người có cái tâm thánh thiện, dùng tấm lòng và tài năng của mình để không ngừng phát tâm làm việc thiện, chỉ đơn giản vì bản thân tâm lành thôi thúc họ muốn giúp đỡ mọi người chứ chẳng cầu danh lợi, vậy thì chắc chắn họ sẽ là những người tích được đại đức, phúc lộc song hành bởi đã biết hành thiện tích đức.
Tuy nhiên, xét ngược lại, nếu những người có tài song lại không có đức, dùng tài năng của mình để làm việc xấu, gây hại đến người khác thì bản thân họ sẽ phải trả giả bằng việc âm đức tổn hại, đoản mệnh, thậm chí còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến người thân của mình, khiến cho cả gia tộc bị diệt vong. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người ta sinh ra ai cũng có phần thiện trong mình, nếu biết phát huy thì chắc chắn sẽ trở thành người tốt. Người ta vẫn nói con trẻ như tờ giấy trắng, ngoài bản thân tố chất con người thì những người xung quanh cũng có tác động đến tương lai đứa trẻ. Tất cả mọi người đều sống thiện lương, tâm an lành thì tất lẽ đứa trẻ cũng học theo mà sống thiện lương. Hãy học cách sống thiện chứ đừng sống ác. Trước tiên hãy tự nhắc nhở bản thân mình sống thiện, chớ làm hại đến người. Tiếp sau đó khởi tâm làm việc thiện, nhớ rằng mọi sự phải xuất phát từ tâm lành chứ không nhằm mục đích danh lợi mưu cầu. Tâm không thiện thì âm đức cũng chẳng còn, dù có vung tiền của làm việc thiện thì cũng chẳng bằng người có tâm lương thiện, luôn nở nụ cười chân thành khích lệ mọi người. Chỉ một hành động nhỏ nhoi thôi nhưng cũng đủ để bạn tích âm đức cho mình rồi đó.
An An